Trường phái, thủ pháp Pierre_Bayard

Bayard chính là người sáng lập trường phái « la Critique Interventionniste » (phê bình can thiệp). La critique interventionniste là một kiểu thức phê bình văn học mà người phê bình không phải là một độc giả thụ động đứng bên ngoài tác phẩm, mà đi sâu vào bên trong tác phẩm để nghiên cứu nhờ vào một hệ thống các phương pháp phân tích và những khái niệm đã tồn tại, lấy điểm nhìn của một người có tham gia vào câu chuyện của tác phẩm để đọc và phân tích. Có ba phương pháp chính của critique interventionniste là critique d'amélioration (Cf. Comment améliorer les œuvres ratées ? hoặc Et si les œuvres changeaient d'auteur ?), critique par anticipation (Cf. Demain est écrit, Le Plagiat par anticipation) và critique policière. Phương pháp critique policière (phê bình trinh thám) được vận dụng trong phê bình tiểu thuyết trinh thám, Pierre Bayard đi sâu vào những tiểu thuyết ấy, mượn góc nhìn của chính người kể hay nhân vật bên trong tác phẩm và chứng minh rằng tiểu thuyết gia đã nhầm lẫn về kẻ giết người, hay tên tội phạm và từ đó, nhà phê bình đề xuất một giải pháp mới của riêng ông. Cf. Qui a tué Roger Ackroyd ? (Sự thật Vụ ám sát Roger Ackroyd), hoặc Affaire du Chien des Baskerville (Về vụ án Con chó săn của dòng họ Baskerville). Trong tình huống phê bình can thiệp này Pierre Bayard không làm thay đổi gì trong tác phẩm đã xuất bản mà chỉ đề xuất một cái kết khác, một tình huống mới cho tác phẩm.

Cùng với trường phái phê bình can thiệp, Pierre Bayard cũng sáng tạo một thể loại tiểu luận mới « la fiction théorique » (tiểu luận hư cấu). Khác với những tiểu luận chuyên ngành xã hội nhân văn ở đó người viết « tôi » cũng chính là tác giả, trong tiểu luận hư cấu lý thuyết tác giả không phải là « người kể », đây vốn là đặc tính mà Pierre Bayard vận dụng từ văn chương bởi lẽ trong tác phẩm văn học nhà văn không phải là người tự sự cho dù người tự sự trong tác phẩm ấy có viết ở ngôi thứ nhất số ít là « tôi ».

Hài hước là yếu tố nền tảng ẩn sau giọng điệu nghiêm túc của một nhà phê bình văn học xây dựng nên văn phong đặc thù của Pierre Bayard. Tất cả tiểu luận của ông đều viết bằng một giọng tự trào với những khái niệm lý thuyết có thể khiến những độc giả hàn lâm phản đối, thế nhưng, chính sự hài hước có phần khiêu khích táo bạo ấy lại có một chức năng kích thích tư duy phân tích nơi người đọc, kêu gọi người đọc có óc phê phán và biết giữ một khoảng cách hợp lý với tác phẩm đang đọc để có thể hiểu và nhìn thấu những tầng ý nghĩa sâu hơn, những tuyến truyện thoát ra ngoài văn bản cố định để làm một độc giả thông minh và độc lập. Tiểu luận nổi tiếng của ông Comment parler des livres que l’on n’a pas lus ?, Minuit, 2007 (Làm sao nói về những cuốn sách chưa đọc ?) là minh chứng cụ thể nhất cho văn phong vừa hài hước khiêu khích nhưng vô cùng nghiêm túc ấy

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Pierre_Bayard https://www.univ-paris8.fr/Plongee-dans-la-critiqu... https://diacritik.com/2017/11/13/pierre-bayard-lit... http://www2.univ-paris8.fr/litteraturefrancaise/ http://www.fabula.org/atelier.php?Comment_ne_pas_d... https://diacritik.com/2017/11/02/pierre-bayard-jec... https://diacritik.com/2017/06/29/pop-up-de-vies-ev... http://intercripol.org/fr/index.html http://revueliberte.ca/2018/02/26/defiles-langage-... https://prix-marguerite-yourcenar.scam.fr/person/p... https://web.archive.org/web/20180809121753/http://...